Quản trị viên hệ thống mạng là gì ? Làm sao để đạt được ?

4
4522

Quản trị viên hệ thống (system administrator hoặc sysadmin) là người chịu trách nhiệm cho việc bảo trì, cấu hình và duy trì hoạt động của hệ thống máy tính, máy chủ (servers) của doanh nghiệp hoặc tổ chức…

Công việc của một quản trị viên hệ thống

Một nhân viên hỗ trợ người dùng (IT HelpDesk) chưa thể thay thế công việc của một nhân viên quản trị hệ thống nhưng ngược lại, khi cần thiết, nhân viên quản trị hệ thống bắt buộc phải có đầy đủ kỹ năng và trình độ của một nhân viên hỗ trợ người dùng. Ngoài ra, công việc điển hình của một quản trị viên hệ thống có thể bao gồm những việc như sau:

  • Phân tích nhật ký (logs) của hệ thống và xác định được nguyên nhân gây ra sự cố để tìm cách khắc phục.
  • Trong một số doanh nghiệp, tổ chức, quản trị viên hệ thống phải đảm nhiệm việc tìm kiếm và triển khai các công nghệ mới để tăng hiệu suất hoạt động.
  • Thực hiện việc kiểm toán hệ thống.
  • Thực hiện việc cài đặt và cập nhật các bản vá lỗi của hệ điều hành, của các ứng dụng.
  • Thực hiện cài đặt và cấu hình phần cứng, phần mềm.
  • Thêm, xóa, cập nhật thông tin người dùng, thiết lập lại mật khẩu v.v…
  • Trả lời các thắc mắc về kỹ thuật và hỗ trợ người dùng.
  • Có trách nhiệm đối với an ninh của hệ thống máy tính.
  • Có trách nhiệm biên soạn các tài liệu phục vụ cho việc cấu hình hệ thống.
  • Giải quyết các sự cố và lập báo cáo về các sự cố này.
  • Cải thiện hiệu suất hoạt động của hệ thống.
  • Bảo đảm hoạt động của toàn bộ hệ thống diễn ra bình thường.
  • Định kỳ thực hiện việc sao lưu và diễn tập phục hồi thảm họa.
  • Cấu hình, sửa và xóa tập tin hệ thống.

Trong một số tổ chức lớn, các công việc phía trên có thể được chia nhỏ thành một số chức danh công việc riêng như:

  • Nhân viên hỗ trợ kỹ thuật. (technical support).
  • Quản trị viên cơ sở dữ liệu. (database administrator).
  • Quản trị viên website (website administrator).
  • Quản trị viên mạng máy tính (network administrator)
  • v.v…

Và nhân viên quản trị hệ thống có thể kiêm nhiệm luôn việc đào tạo người sử dụng lẫn đào tạo nhân viên IT mới.

Các đức tính cần có

Với mục tiêu duy trì hoạt động và bảo đảm an toàn của hệ thống đòi hỏi nhân viên quản trị phải có kiến thức sâu sắc về hệ điều hành, về các ứng dụng mà tổ chức đó đang sử dụng, cũng như hiểu rõ mục đích mà mọi người trong tổ chức sử dụng máy tính. Cho nên, kỹ năng giải quyết sự cố là một trong kỹ năng quan trọng nhất.

Ngoài ra, khi nhân viên quản trị hệ thống nhận được một cuộc gọi thông báo hệ thống bị tạm dừng hoặc bị lỗi và yêu cầu khắc phục trong thời gian sớm nhất. Và những điều này diễn ra rất thường xuyên. Cho nên, khả năng chịu đựng áp lực và bình tĩnh là điều không thể thiếu.

Hơn nữa, quản trị viên hệ thống phải có kỹ năng giao tiếp tốt và làm việc theo nhóm, hai kỹ năng này theo bản thân tôi đánh giá rất quan trọng. Bởi vì, nó sẽ làm giảm áp lực và chia sẻ gánh nặng công việc của quản trị viên rất nhiều. Quản trị viên hệ thống phải đảm nhận việc cài đặt và cấu hình phần mềm. Họ không phải là kỹ sư phần mềm hoặc là nhà phát triển phần mềm nhưng họ phải hiểu được hành vi của phần mềm mà họ đang quản trị. Đối với các giao dịch thương mại điện tử trên mạng Internet, quản trị viên của các hệ thống này còn phải có kiến thức về an toàn thông tin. Điều này có nghĩa là quản trị viên không chỉ đơn thuần triển khai cập nhật các bản và lỗi mà còn phải ngăn ngừa việc đột nhập và các vấn đề bảo mật khác cần phòng ngừa.

Ngoài ra, trong quá trình làm việc, bản thân tôi đánh giá tính trung thực và khả năng viết tài liệu là hai yếu tố hàng đầu để phát triển công việc và đánh giá năng lực của một quản trị viên hệ thống. Hai đức tính này bổ xung cho nhau rất tốt, khả năng viết tài liệu sẽ làm cho việc trình bày tài liệu về hệ thống được rõ ràng. Tính trung thực sẽ chi tiết hóa các công việc được mô tả trong tài liệu. Điều đó, giúp ích cho việc đánh giá, phục hồi và phát triển hệ thống hoặc chuyển giao công việc được dễ dàng. Hơn nữa, việc ghi lại tài liệu rõ ràng sẽ giúp cho quản trị viên có cái nhìn tổng quát hơn về hệ thống mà họ đang quản trị.

Cần học gì?

Đây là một câu hỏi rất khó trả lời cho đầy đủ và nó phụ thuộc vào nhiều ngữ cảnh khác nhau, đặc biệt là phụ thuộc vào rất lớn vào môi trường làm việc của nhân viên quản trị hệ thống. Hơn nữa, trong năm 2016, cách học để trở thành nhân viên quản trị hệ thống nói riêng và cách học của sinh viên ngành công thông tin nói chung so với cách đây 10 năm là rất khác nhau. Trước đây, các bạn chỉ có thể học tập, nghiên cứu qua tài liệu, sách vở hoặc kinh nghiệm của người đi trước nhưng hiện nay mạng Internet là một quyển bách khoa toàn thư mà người học công nghệ thông tin đang bị tràn ngập trong lượng kiến thức của nó.

Từ thực tiễn công việc của mình, tôi xin mạng phép chia sẻ về cách học như sau:

  • Về mặt bằng cấp, các bạn có thể tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng hoặc cử nhân, kỹ sư với các chuyên ngành như Khoa học máy tính (computer science), Công nghệ thông tin (information technology), Hệ thống thông tin (information systems), Mạng máy tính và Truyền thông,… Tuy nhiên đây chỉ là một trong các điều kiện cần.
  • Về mặt các chứng chỉ các bạn có thể theo đuổi các hệ thống chứng chỉ của Microsoft, Cisco hoặc LPI (Linux Professional Institute):

Microsoft

Hệ thống chứng chỉ của Microsoft (cập nhật năm 2015)Cisco

Hệ thống chứng chỉ của Cisco (cập nhật năm 2016)

LinuxHệ thống chứng chỉ LPI (cập nhật năm 2016)

Ngoài ra, việc theo đuổi các chứng chỉ trên là một công việc khá khó khăn, đặc biệt chi phí thi chứng chỉ quốc tế chưa bao giờ rẻ đối với sinh viên.

Do đó, tôi tập trung nhấn mạnh vào hai điểm sau đây:

  • Khả năng tự học.
  • Kiến thức đạt được tương đương với các chứng chỉ.

Kiến thức căn bản hay công nghệ

Công nghệ thông tin đang thay đổi rất nhanh, công nghệ mà bạn học trên ghế nhà trường hôm nay thì hai năm sau, khi bước vào môi trường doanh nghiệp nó đã gần như thay đổi hoàn toàn. Vậy chúng ta phải học như thế nào để thích ứng với việc này?

  • Kiến thức căn bản của ngành công nghệ thông tin rất khô khan và khó hiểu. Tuy nhiên, để trở thành một nhân viên quản trị hệ thống bạn cần phải hiểu thật rõ và nắm thật chắc nó. Đó chính là tiền đề để bạn dễ dàng tiếp thu được các công nghệ, kỹ thuật mới.
  • Các bạn phải tự rèn luyện cho mình thói quen tự học và đồng thời phải biết tự kiểm chứng các kết luận của mình với kết quả thực tế. Việc tự kiểm chứng sẽ rèn luyện cho chúng ta thói quen tự kiểm toán hệ thống của mình khi cần thiết.

Có cần lấy chứng chỉ hay không?

Chứng chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ. Các bạn sinh viên có thể sử dụng nhiều cách luyện thi để lấy chứng chỉ nhưng để đạt được kiến thức tương đương với chứng chỉ thì cả một quá trình. Do đó, lấy được chứng chỉ là một điều tốt và tốt hơn nữa là phải có được kiến thức tương đương để phục vụ cho công việc.

Chúc các bạn thành công.

Xem thêm:

Xây dựng và triển khai hệ thống VoIP cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Các tính năng mới của Windows Server 2019

4 COMMENTS

  1. Bài viết về nghề “Quản Trị Hệ Thống” của Ths. Duong Hien Vinh hay quá, nói đúng trọng tâm vấn đề luôn hjhj.
    Để làm một QTV Hệ Thống không khó, nhưng để làm một QTV Hệ Thống giỏi, luôn đảm bảo hệ thống mạng máy tính của DN chạy phà phà 24/7/365 và support sao cho toàn bộ người dùng trong DN hài lòng không phải chuyện dễ. Ngoài kiến thức và kinh nghiệm sẵn có thì người QTV Hệ Thống cũng luôn luôn phải cập nhật công nghệ và kiến thức mới về cả phần cứng và phần mềm nhằm cải tiến hệ thống ICT để hệ thống vận hành được thông suốt nhất.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.