Hướng dẫn cách viết đồ án tốt nghiệp và đồ án môn học

5
18023

Đồ án tốt nghiệp / môn học là gì ?

Thông thường đồ án tốt nghiệp/môn học là một bài viết dài. Mục tiêu của nó là giúp người đọc có thể hiểu một cách khá chi tiết về một lĩnh vực hay triển khai được một ứng dụng/dịch vụ nào đó. Đồng thời, đồ án có thể chỉ ra được những ưu nhược điểm của hệ thống hay một vấn đề nào đó.

Công dụng của một đồ án là gì: giúp người đọc, vốn chưa biết/chưa quen thuộc với lĩnh vực mà đồ án nghiên cứu, có thể hiểu được một cách khái quát về vấn đề.

Ví dụ: Có hàng chục quyển sách, hàng trăm bài báo viết về mã độc, Domain, Firewall, IDS/IPS

Hàng nghìn tài liệu viết về cách ứng dụng Firewall vào một hệ thống mạng cụ thể.

Nói một cách bình dân, đồ án tốt nghiệp/môn học là một tài liệu khảo sát một lĩnh vực nào đó, mà chỉ cần người đọc, đọc qua đồ án là có thể nắm bắt được và biết được nguồn gốc tài liệu, để khi cần biết thêm chi tiết là có thể tự tìm đọc được.

Vậy quá trình cần thiết để tạo ra một đồ án tốt nghiệp/môn học, các quy trình viết cũng như các kỹ thuật để viết là gì ? Chúng ta cùng làm rõ nhé!.

Quá trình viết đồ án

Thông thường, quá trình viết có thể bao gồm 4 bước:

            1) Đọc và ghi chú tài liệu

            2) Sắp xếp dàn ý

            3) Viết và trích dẫn

            4) Quay lại bước (1)

1. Đọc và ghi chú tài liệu

Bản chất của một đồ án là tìm hiểu, Nghiên cứu hay khảo sát một công nghệ, một vấn đề, cũng có thể là triển khai một dịch vụ nào đó nên việc đọc là phần đầu tiên rất quan trọng của đồ án.

Nhưng đọc xong phải ghi lại những ý chính. Mục tiêu của việc ghi chú là để tóm tắt 1 vấn đề theo cách hiểu của mình. Một bảng ghi chú đạt yêu cầu là thông qua việc đọc bảng ghi chú đó, các bạn sẽ không cần đọc lại nguyên tác mà vẫn có thể tóm tắt được ý chính của bản gốc.

Loại tài liệu cần đọc:

– Bài báo khoa học đăng tạp chí

– Bài báo khoa học đăng hội nghị

– Sách giáo khoa, sách tham khảo

– Tài liệu của hãng.

Thông thường, các bài báo khoa học dù là tạp chí hay hội nghị chỉ nêu 1 đến 2 ý chính. Rất phù hợp để trích dẫn trong bài viết.

Ví dụ: Weiser, 1991, đã khai sinh ra hướng ngành tính toán khắp mọi nơi [1].

[1] Weiser, M., The computer for the 21st century, Scientific American, 1991, 265, 66-75

Nhìn chung, sự khác biệt cơ bản nhất của bài báo hội nghị và bài báo tạp chí là: chất lượng và độ tin cậy của bài báo đăng tạp chí cao hơn so với bài báo đăng hội nghị. Tất nhiên là cũng phụ thuộc vào độ tin cậy của tạp chí và hội nghị nữa. Tất cả chỉ mang tính tương đối. Các bài báo hội nghị sau khi trình bày, nhận góp ý, các tác giả có thể viết lên thành bài báo và gửi tạp chí. Hơn nữa, những nhà phản biện của tạp chí thường là những ngườii có uy tín trong ngành nên độ tin cậy sẽ cao hơn.

Sách giáo khoa, sách tham khảo là tập hợp nhiều bài báo, nhiều phần của một lĩnh vực và nội dung rất rộng cho nên sẽ mất rất nhiều thời gian để đọc và ghi chú. Hơn nữa, nó cũng là sản phẩm xuất phát từ các bài báo được viết lại theo dạng giáo khoa để dễ hiểu và tập trung.

Tài liệu của hãng công nghệ là tài liệu tham khảo tốt nhất cần đọc khi chúng ta triển khai các ứng dụng công nghệ hay dịch vụ;

Ví dụ khi bạn làm đề tài; “Triển khai HA cho Ms Exchange” thì tài liệu của microsoft là nguồn tham khảo tốt nhất

Các tài liệu trên diễn đàn, website, link, báo lá cải, nhật báo, wikipedia, chỉ mang tính chất tham khảo không nên đưa vào mục tài liệu tham khảo.

2. Sắp xếp dàn ý

 Sau khi đã đọc được một ít, điều tiếp theo là lập dàn ý để viết.

Một dàn ý tốt sẽ cho ra một bài viết tốt

Các phần ghi chú ở bước 1. sẽ được đưa vào dàn ý này.

Thông qua dàn ý, các bạn sẽ rõ hơn về đồ án của mình.

==> Các bạn nên nhờ Giáo viên hướng dẫn góp ý ngay từ lúc này.

3. Viết và trích dẫn

Sau khi có dàn ý tốt, các bạn hãy bắt tay vào viết. Nói nôm na, dàn ý là phần khung xương, bây giờ là đến phần chúng ta đắp da thịt vào bộ xương đó để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật.

Nhưng khi viết, ta cần phải đưa những nội dung ta đã ghi chú trong phần đọc vào, và ghi trích dẫn rõ ràng. Để làm gì vậy ?

Tại sao lại phải trích dẫn.

Tôn trọng về bản quyền, tránh đạo văn

Dùng những ý kiến đã được chứng thực để bổ sung, làm mạnh lên chính kiến của mình. Thuyết phục người khác tin mình. Chứng tỏ rằng, tôi đang làm cái việc mà cũng có những người khác làm, chứ không phải là tôi tự chế. Đứng trên vai người khổng lồ.

Thực ra, trong cuộc sống, chúng ta dùng rất nhiều trích dẫn, đến mức hết sức tự nhiên mà ta không để ý. Đó là lý do tại sao người ta hay dùng ca dao, tục ngữ, những tri thức đã xác lập để bảo vệ chính kiến và thuyết phục người khác tin.

4. Quay lại bước 1

Trước khi quay lại bước 1, các bạn kiểm tra lại những gì đã viết, chỉnh sửa câu cú, chính tả.

Cấu trúc một đồ án

Thực ra, không có một mẫu đồ án chuẩn, vì lĩnh vực nghiên cứu của mỗi đề tài sẽ rất khác nhau. Cấu trúc cũng sẽ rất linh họat.

Để cụ thể hóa, chúng ta xét ví dụ dưới đây để xem cấu trúc có những phần cơ bản:

Ví dụ: Đồ án: Tìm hiểu Công Nghệ GPS ứng dụng trong Location-Based Services.

Việc đầu tiên cần làm là phân tích các keywords trong tên đồ án (tô màu khác nhau).

Toàn bộ đồ án sẽ là những phần chi tiết của các keywords này.

Chẳng hạn như trong đồ án này ” Tìm hiểu Công Nghệ GPS ứng dụng trong Location-Based Services.” Người đọc sẽ cần biết GPS là gì, Location-Based Services là gì, và qua đó GPS hỗ trợ thế nào cho LBS. Các ứng dụng có thể có của LBS với sự trợ giúp của GPS.

Qua đó, ta có thể cấu trúc 1 đồ án cơ bản như sau:

Chương 1: Giới thiệu

Chương 2: Khảo sát lý thuyết

Chương …

Chương n-2: Thực nghiệm

Chương n-1: Thảo luận & đánh giá

Chương n: Kết luận

Giám khảo, phản biện sẽ đọc Chương 1 và Chương kết luận đầu tiên. Đó cũng chính là lý do ta cần phải đầu tư thật nghiêm túc 2 chương này. Để nguời đọc có thể hiểu được ta muốn viết gì.

Từ chương 3 trở đi, các bạn tự thiết kế nội dung xoay quanh các vấn đề để giải thích cho keywords đã phân tích và tập trung làm rõ đề tài.

Chương n-2: Thực nghiệm: từ lý thuyết -> triển khai áp dụng thực tế.

Chương n-1: Thảo luận & đánh giá: Quan trọng, đây là chương mà công sức của bạn sẽ được giáo viên chấm điểm ở đây !

Vì sao: Khi đã đọc được rất nhiều sách vở, trình bày từ chương 1 đến chương n-2, chương n-1 là chương mà bạn nêu lên chính kiến của mình, hoặc đánh giá của mình (dựa trên các tài liệu thu thập được). Các bạn phát hiện được những ưu nhược nào của vấn đề, các lỗ hổng lớn nào cần phải được xử lý (không cần bạn phải xử lý, hoặc đưa ra giải pháp).

Nên có những bản so sánh để đánh giá.

Chương kết luận: Rất quan trọng: nó chốt lại những gì các bạn đã tìm hiểu, cho ra những kết luận quan trọng, và tóm gọn nội dung đã làm.

Ví dụ:

Đề tài đã tìm hiểu về GPS  và LBS ở những khía cạnh: 1,2,3,…..

Chúng tôi nhận thấy rằng, GPS rất quan trọng và hữu ích cho LBS vì những lý do sau: i)…. ii)…, iii)…., iv) …..

Tuy nhiên, LBS đòi hỏi những yếu tố 1)…., 2)…., 3)….. mà GPS có những hạn chế. Qua đó ta thấy để đáp ứng được những nhu cầu nâng cao của LBS, cần phải có những cải tiến x,y,z…

Tóm lại, kỹ thuật GPS là một thành phần không thể thiếu cho LBS….

Kỷ luật viết & Nguyên tắc 2 giờ vàng

Mặc dù việc viết bài ngày nay đã đựơc hỗ trợ rất nhiều từ máy tính, phần mềm soạn thảo văn bản, máy in… Tuy nhiên, nếu bạn không bắt tay vào viết thì Đồ Án sẽ không bao giờ được hoàn thành.

Việc viết đồ án đòi hỏi sự kiên trì, nhất quán và kỷ luật. Con người rất dễ bị chi phối bởi ngoại cảnh, nên việc ngồi tập trung 2h để viết là 1 việc vô cùng gian khổ!

Ví dụ:

Khi đang ngồi trong phòng viết bài, tự dưng có bạn rủ chơi game, chat, hay đi cafe (Thường rất khó từ chối :)) ==> Quên mất việc chính là viết bài, khi quay lại viết thì hết cảm hứng, lại phải tốn thời gian tập trung.

Nguyên tắc 2 giờ vàng: Một người làm việc trí óc có thể tập trung và làm việc hiệu quả nhất trong từng khoảng thời gian là 2 tiếng. Cho nên khi bắt tay vào viết, bạn phải chuẩn bị cho mình 2h rảnh, không được đi đâu hết. Không được phân tán, đi đây đó, nghe điện thoại, chat chit, lướt web, hoặc vào facebook !!!

Một khi có một “tạp niệm” khởi lên, bạn đừng làm ngay theo sự dẫn dắt của nó, mà chỉ cần hỏi 1 câu: việc chính của mình lúc này đang làm gì ? Đang viết bài à, thì hãy bỏ qua tạp niệm đó, đừng để nó dẫn dắt, quay lại viết bài đi !

Đây là một việc khó, cần phải rèn luyện.

Vai trò của giáo viên hướng dẫn (GVHD)

Các sai lầm thường thấy của sinh viên khi bỏ qua vai trò của GVHD

Một trong những sai lầm lớn nhất của các sinh viên là không tham khảo ý kiến của giáo viên hướng dẫn. Tự mình làm đến sát ngày hết hạn nộp đồ án mới chạy đến nhờ giáo viên hướng dẫn xem, góp ý, thậm chí còn tự ý in đem đi nộp (Khả năng Fail là rất cao 🙂 lúc này chẳng có ai có thể giúp bạn được) !

==> Giáo viên hướng dẫn lúc đó cũng bó tay luôn, không tài nào sửa chữa, góp ý kịp một công trình mà các bạn đã làm trong vòng hai đến sáu tháng !

Sai lầm thứ 2, do đồ án là tìm hiểu, nghiên cứu công nghệ, triển khai ứng dụng mà việc đọc tài liệu và làm lab là chính sẽ dẫn đến tình trạng là không biết đọc bao nhiêu sách, lab thì đủ, bỏ cái nào, viết cái nào, hay là viết hết. Đồ án sẽ trở thành 1 bách khoa toàn thư và toàn là copy paste

Vai trò của GVHD

GVHD là người có kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu, và đã trải qua hết các giai đoạn mà các bạn đã và đang trải qua. Cho nên phải thường xuyên gặp gỡ, trao đổi (trực tiếp hay qua email) với GVHD để có được góp ý kịp thời.

GVHD không phải là người nghe, nói, đọc, viết thay cho các bạn, nhưng sẽ là người định hướng để các bạn có thể tự mình tìm ra con đường của mình thông qua việc cung cấp tài liệu, chỉ sách cho đọc, và qua các buổi gặp mặt, thảo luận trực tiếp.

GVHD là người biết tầm vóc của vấn đề các bạn đang nghiên cứu và nắm rõ chuẩn đầu ra của trường. Cho nên việc trao đổi thường xuyên sẽ giúp các bạn hoàn thiện đồ án không ở mức quá sơ sài, cũng như không phải là xây dựng bách khoa toàn thư.

Kết luận

Tóm lại, viết đồ án là việc gian nan nhưng không kém phần thú vị, vì khi viết được, có nghĩa là bạn đã hiểu được. có thể nó sẽ là sản phẩm chúng ta sẽ sử dụng để bổ sung vào CV xin việc.

Bài viết này có tham khảo một số tư liệu của TS. Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng Khoa Truyền thông và Mạng máy tính. Trường ĐHCNTT

Mẫu hướng dẫn viết đồ án tốt nghiệp

Một số mẫu và hướng dẫn cách viết đồ án bạn có thể tham khảo:

  1. Mẫu báo cáo Đồ án tốt nghiệp trường đại học công nghiệp thực phẩm: Mau 4_trinh bay do an tot nghiep
  2. Mẫu báo cáo Khóa luận tốt nghiệp trường đại học công nghiệp thực phẩm: Mau 3_trinh bay khoa luan
  3. Mẫu báo cáo Luận văn tốt nghiệp trường đại học công nghiệp thực phẩm: Mau 3_trinh bay luan van
  4. Hướng dẫn viết đồ án/khóa luận trường đại học Sư phạm kỹ thuật
  5. Hướng dẫn viết đồ án/khóa luận trường đại học Hutech

Đồ án tham khảo:

Xây dựng và triển khai hệ thống VoIP cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

XÂY DỰNG HỆ THỐNG MAIL CHO DOANH NGHIỆP ĐẠI NAM

Xem thêm các bài viết:

Tạo ngắt trang, đánh số trang, tiêu đề trang trong Word

Hướng dẫn tạo mục lục tự động trong Word

Chúc các bạn thành công! nếu có thắc mắc hoặc chưa rõ các bạn để lại thông tin bên dưới

5 COMMENTS

    • trình bày kết quả đó em, em có thể trình bày như sau: vd em làm thuật toán A => kết quả đem ra so sánh với thuật toán B (B sẽ không tốt bằng A, nhớ là chọn thuật toán có kết quả không tốt bằng A nhé, chứ không là làm lại báo cáo đó)

      • đề tài em là vầy,định lượng cloride trong nước khoáng đóng chai.Phương pháp chính em chon là phương pháp mohr,sau khi làm xong cô giáo yêu cầu làm thêm phương pháp khác để kiểm chứng lại quy trình xác định cloride của em là có độ tin cậy,dùng quy trình đó để khảo sát trên nhiều mẫu thị trường.Khi em viết báo cáo gặp khó khăn ở việc trình bày như thế nào cho logic.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.