CCNA – Tổng quan về IPv6 [Phần 2]

0
724

Tiếp nối phần tìm hiểu về IPv6 trong loạt bài về CCNA, ta tiếp tục đi tìm hiểu hai mục chính là các loại địa chỉ IPv6 và các giải pháp chuyển đổi giữa IPv4 và IPv6.

Đọc bài viết trước: CCNA – Tổng quan về IPv6 [Phần 1]

Các loại địa chỉ IPv6

Địa chỉ Unicast

Đây là địa chỉ được sử dụng trên host, dùng cho việc trao đổi dữ liệu unicast. Dải địa chỉ unicast lại được chia thành 3 dải khác nhau:

Global Unicast

Là dải địa chỉ được cấp phát và sử dụng cho các host trên Internet, dải này tương đương với dải IP Public của IPv4. Mọi địa chỉ Global unicast đều bắt đầu bằng 3 bit “001”.

Các địa chỉ này thuộc về dải 2000::/3.

Link – local Unicast

Là loại địa chỉ dùng riêng cho trên nội bộ một đường link, các gói tin với các địa chỉ link-local không thể đi ra khỏi một đường link. Các địa chỉ link-local có thể trùng nhau miễn là chúng được đặt trên các link khác nhau.

Địa chỉ link-local sẽ thuộc về dải FE80::/10.

Khi một interface được bật IPv6, một địa chỉ link-local sẽ được tự động phát sinh ra trên interface ấy.

Unique – local Unicast

Định nghĩa trong RFC-4193, tương đương với dãy IP Private trong IPv4. Địa chỉ Unique-local được sử dụng trong nội bộ mạng doanh nghiệp, có thể sử dụng nhiều lần từ mạng nội bộ này qua mạng nội bộ khác và không khả thi trên môi trường Internet.

Địa chỉ Unique-local thuộc dải FC00::/7.

Dải địa chỉ này từng được đặt tên là Site-local, với các IP thuộc prefix FEC0::/10. Nhưng sự ra đời của Unique-local đã kết thúc sự tồn tại của Site-local.

Địa chỉ Multicast

Là tất cả IP nằm trong dải FF00::/8. Đặc điểm nhận dạng của địa chỉ Multicast trong IPv6 là luôn có byte bắt đầu là FF. Dải này tương đương với lớp D của IPv4.

Có một số địa chỉ IPv6 Multicast thường gặp:

Địa chỉ Ứng dụng
FF02::1 Tất cả các host trên link
FF02::2 Tất cả các router trên link
FF02::5, FF02::6 OSPFv3
FF02::9 RIPng
FF02::A EIGRPv6
Địa chỉ Anycast

Dải địa chỉ Anycast là 2000::/3, nhưng mỗi địa chỉ trên dải này được phép đặt trên nhiều host.

Các giải pháp chuyển đổi IPv4 – IPv6

Tuy không gian địa chỉ IPv4 đã cạn kiệt, nhưng để triển khai ngay lập tức IPv6 vào thực tiễn cho tất cả là điều không tưởng. Sẽ cần thời gian để quá trình này xúc tiến từ từ. Trong thời gian này, các giải pháp được đưa ra để giúp hệ thống chạy IPv4 hiện tại có thể tồn tại song song với IPv6 có thể kể tên 3 giải pháp tiêu biểu sau đây.

Chạy song song hai giao thức (Dual-Stack)

Với cách này, một thiết bị khi được cấu hình sẽ chạy song song cả IPv4 và IPv6 cùng lúc với nhau. Giao thức IPv4 sẽ đảm nhận trách nhiệm giao tiếp với các thiết bị có IPv4 và IPv6 sẽ giao tiếp với các thiết bị được cấu hình IPv6.

Hiện nay các hệ điều hành trên các thiết bị hầu hết đều cho phép sử dụng cả hai giao thức IPv4 và IPv6 để giao tiếp trong mạng.

Các kỹ thuật đường hầm (tunneling)

Giúp hai vùng chạy IPv6 có thể kết nối được với nhau thông qua một vùng IPv4 trung gian.

Ý tưởng chính: khi một host dùng IPv6 cần phải gửi một gói tin IPv6 đến một host IPv6 khác ở phía bên kia mạng IPv4, gói này sẽ được router biên đứng giữa vùng IPv6 và vùng IPv4 đóng gói vào một gói tin IPv4.

Trong mạng IPv4, gói tunnel này được xem xét như một gói tin IPv4 thông thường và được định tuyến chuyển đến router biên ở đầu bên kia. Tại router biên đầu kia, gói tin được gỡ bỏ lớp IPv4 header và trả lại gói tin IPv6 nguyên thủy để đi đến host đích cần tới.

Một số kỹ thuật tunneling tiêu biểu: tunnel cấu hình tĩnh, 6to4 tunnel, ISATAP tunnel,…

NAT-PT

Sử dụng khi một host IPv6 muốn trao đổi dữ liệu với một host dùng IPv4.

Như ta thấy trong hình, nde A trên vùng IPv6 cần gửi dữ liệu đến node D trên vùng IPv4. Router biên đứng giữa được cấu hình NAT-PT để đảm bảo hoạt động trao đổi dữ liệu này. NAT-PT sẽ thực hiện chuyển đổi đóng gói dữ liệu cho gói tin từ IPv6 sang IPv4 và ngược lại khi gói tin đi từ đầu này qua đầu kia và ngược lại.

[Còn tiếp]

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.