Blockbuster vs Netflix lessons. Và … còn lại gì cho ta?

0
598

Câu chuyện thành công của Netflix sử dụng công nghệ làm thay đổi mang tính đột phá (disruption) đã mang lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ.

Quay lại những thập niên 80-90, khi có sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ phim video tape, bạn muốn thuê phim video nào đó thì ra tiệm cho thuê băng để thuê 1 cuốn băng video và trả tiền thuê theo ngày/tuần. Lúc này, Blockbuster là một đại gia trong làng cho thuê băng video. Đỉnh cao của Blockbuster trị giá $8.4 tỷ USD (năm 1994). Năm 2006, lúc mình sang Úc vẫn còn được 1 anh bạn dẫn đi thuê băng từ cửa hàng Blockbuster ở Melbourne. Nhưng đến 2010, giá trị chỉ còn $24 triệu đô (giảm 350 lần) và đến nay đã phá sản hoàn toàn.

Nhận thấy việc cho thuê băng VHS quá rắc rối, phức tạp và tương lai của Internet là có thể truyền nội dung số qua mạng, vào 29/8/1997, tại Scotts Valley, California, 2 ông Marc Randolph và Reed Hastings đã cùng nhau thành lập Netflix, một công ty lúc đó nôm na là cho thuê phim qua mạng. Lý lịch trích ngang của 2 ông này không phải là dạng vừa: Randolph là đồng sáng lập của MicroWarehouse, sau đó được mời làm phó giám đốc tiếp thị cho Borland International. Trong khi đó, Hastings, một nhà khoa học gia máy tính và là nhà toán học, chủ sở hữu của Pure Atria, đã bán công ty cho Rational Software Corporation năm 1997 với giá $700 triệu (được xem là sự thâu tóm lớn nhất lịch sử của Silicon Valley ở thời điểm đó) [1].

Sau 3 năm thành lập, giá trị công ty là $50 triệu đô và đến 2017, giá trị của Netflix đã lên đến $60 tỷ USD! Với khả năng vươn tới từng ngóc ngách của thế giới như hiện nay, Netflix app thậm chí đã được cài sẵn lên các SmartTV và những người dùng khó tính nhất cũng chấp nhận trả tiền cho dịch vụ Netflix thì giá trị của Netflix sẽ còn tăng hơn nữa!

Có 3 bài học quan trọng liên quan đến sự thành công của Netflix so với Blockbuster đó là (Source [2]):

1. Đừng bao giờ quên, bạn đang thực sự bán cái gì: đỉnh cao thịnh vượng của Blocbuster có đến hơn 9000 điểm cho thuê VHS tape trên khắp thế giới. Lúc đó tốc độ và độ phổ biến của Internet còn khá hạn chế nên có lẽ họ không nhận ra sự cạnh tranh của Netflix. Cả 2 công ty đều làm 1 việc giống nhau: đó là đưa phim ảnh giải trí đến tận nhà cho người xem. Nhưng Netflix có cách làm ít tốn kém hơn và khả năng tăng trưởng rất cao.

2. Bạn phải sẵn lòng thích nghi (willing to adapt): Đến năm 2000, Internet đã phổ biến, lúc đó Netflix mới có 3 tuổi, nhưng Blockbuster ngủ quên trên chiến thắng và không muốn thay đổi cách kinh doanh vốn vẫn còn mang lại lợi nhuận nhiều cho họ. Trong khi đó Netflix tăng trưởng lên $50 triệu USD, một con số ấn tượng cho startup 3 tuổi.

3. Cách tiếp cận customer-driven luôn thắng: cách tiếp cận của Netflix là làm đơn giản hóa quá trình thuê mướn video với giá cả chấp nhận được, và quan trọng nhất là làm cho khách hàng hạnh phúc. Trong khi Blockbuster chỉ nghĩ để việc tối đa hóa lợi nhuận của họ mà quên mất việc chăm sóc khách hàng.

Internet và các mô hình kinh doanh truyền thông trên nó đã phát triển vượt bậc. Những ai nhìn ra tương lai hoặc sáng tạo mô hình kinh doanh dựa trên Internet và theo đuổi quyết liệt sẽ là người chiến thắng.

Netflix đã không dừng ở đó, năm 2016, Netflix đã hoàn tất việc đưa tất cả các nhà kho dữ liệu, dịch vụ của họ lên Amazon Cloud. Và đại gia Amazon đóng vai trò CDN-Contain Delivery Network trên đó giúp cho khách hàng Netflix ở khắp nơi trên thế giới tiếp cận được film một cách nhanh chóng và mượt mà hơn [3]. Điều này là không thể nếu Netflix tự mình làm tất cả.

CDN là gì ?

CDN là gì mà ghê gớm vậy? Nói nôm na, CDN giống như nhà phân phối hàng hóa [4]. Bạn sản xuất ra kem đánh răng Colgate, nhưng để Colgate đến được tay người tiêu dùng cần phải qua các siêu thị, shop bán lẻ, nhà phân phối cấp từ to đến nhỏ lẻ. CDN làm vai trò đó. Nếu 158.3 triệu khách hàng của Netflix truy cập vào website của họ tải film cùng 1 lúc thì chắc chắn là máy chủ và mạng của Netflix sẽ “chết” ngay lập tức. Amazon với lợi thế là servers của họ có khắp nơi trên thế giới và phân phối phim cho khách hàng ở những nơi gần họ nhất làm giảm tải cho máy chủ của Netflix.

Dân CNTT nói chung hay dân Mạng máy tính nói riêng, khi đã xây dựng được mạng, hạ tầng thông tin thì phải kết hợp với các nhà kinh doanh, các nhà sáng tạo để có “nội dung số” chạy trên đó. Giống như 1 con đường phải có xe cộ chạy trên đó mới có ý nghĩa. Càng có nhiều nội dung số lưu thông, mạng sẽ càng có giá trị. Nó tạo lên cả một nền kinh tế mà các quốc gia gọi chung là “nền kinh tế số” đã và đang đóng góp tích cực cho GDP của các quốc gia.

Còn lại gì cho chúng ta trong cuộc chạy đua công nghệ này?

Suy cho cùng, muốn tồn tại, bạn phải bán 1 cái gì đó. Nếu chúng ta cùng bán 1 thứ mà đối thủ cạnh tranh đang bán thì phải tìm cách thông minh hơn để làm khách hàng thỏa mãn với chi phí tốt hơn chấp nhận được thì mới có khả năng tồn tại. Cuộc cạnh tranh khá khốc liệt vì nó xuyên biên giới quốc gia. Các đài truyền hình, báo chí đã thấm đòn cạnh tranh với các ông lớn công nghệ trên thế giới khi lượng xem giảm mạnh.

Khi thế giới công nghệ phát triển quá nhanh, công nghệ mới chưa đủ trưởng thành thì đã bị thay thế bởi cái mới hơn. Vì nếu chạy theo công nghệ, các công ty chậm hơn sẽ là người thua cuộc vì chạy hoài cũng sẽ đuối sức.

Nếu nhìn một cách tích cực hơn thì thế giới này vẫn còn chỗ cho những kỹ sư lành nghề vận hành hay bảo vệ an toàn cho hệ thống hạ tầng đó.

Đặc biệt, những nhà sáng tạo nội dung được xem là mỏ vàng trên Internet. Giá tham khảo tháng 7/2019: một tấn vàng có giá khoảng $46.5 triệu USD. Ví dụ: số tiền kiếm được của clip Gangnam Style trên Youtube là $8 triệu USD, có nghĩa là clip đó thu được cỡ 172kg vàng (và con số này sẽ tiếp tục tăng). Chưa kể các hợp đồng đến sau đó nữa. Doanh thu của Netflix năm 2018 là $16 tỷ USD, tương đương khoảng 344 tấn vàng chảy vào Netflix!

Mọi vật luôn vận động biến đổi không ngừng đã thành chân lý. Không có công nghệ nào, mô hình kinh doanh nào tồn tại mãi mãi mà nó sẽ liên tục được phát triển, đổi mới và bị đào thải theo thời gian. Nhưng điều không thể thay thế được đó là con người. Bởi vì công nghệ hay nội dung số gì cũng để phục vụ những nhu cầu của con người mà thôi. Cho nên, những cái gì phục vụ được con người và con người vẫn còn cần đến nó thì những cái đó sẽ luôn có đất sống.

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Netflix
[2] https://www.drift.com/blog/netflix-vs-blockbuster/
[3] https://arstechnica.com/…/netflix-finishes-its-massive-mig…/
[4] https://www.globaldots.com/content-delivery-network-explain…

Nguồn: Ts Nguyễn Anh Tuấn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.